Với chúng tôi, mỗi lớp học là một Gia đình

Bạn đang truy cập như là khách vãng lai. Click để đăng nhập

Tab chính

Bạn đang ở đây

1 bài gửi / 0 new
Mr. Hoangology
Ảnh của Mr. Hoangology
[Teach & Learn] Giáo dục ở Đức

 

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng có loạt bài “Chuyện học xứ người” nói về chuyện học tập của học sinh ở Đức với những phương pháp giáo dục ý nghĩa. Nay, được sự cho phép của nhà văn, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu loạt bài này tới độc giả.

Kỳ I: Khai giảng

Chuyện giáo dục phổ cập bấy nay ở Việt Nam năm nào cũng bàn tới. Phức tạp lắm!

Những ngày khai trường ở Đức, suy nghĩ lại, tôi chỉ thấy nhà tôi bận rộn nhất vào ngày khai trường lần đầu tiên của con gái tôi khi vào lớp Một. Còn lại sau này, cháu đi học tới hết lớp Sáu, gia đình hầu như không phải quan tâm tới mỗi khi nhập học.

Ở Đức người ta chỉ quan tâm tới Lễ khai giảng cho học sinh lớp Một. Họ quan niệm, đó là một ngày quan trọng nhất, trong đời một con người đi học. Chính vì thế, năm lớp Một, họ tổ chức trân trọng, nhưng gọn, nhiều ý nghĩa, phong phú về nội dung và nghiêm túc về ý thức cho cả thầy và trò.

Năm con tôi Khai giảng lớp Một, chúng tôi được báo trước một tháng: ngày và giờ buổi Lễ, nội dung, ghi rõ từng giờ, gồm những điều gì, ở đâu. Trường thành phố Teltow nhỏ, chỉ có ba lớp Một. Tại sân trường, đúng bẩy giờ sáng, chật ních người lớn và học trò của ba lớp Một. Người tới trường chia vui với trò, không chỉ cha mẹ trò. Đây là một ngày trọng đại khai mở của một đoạn đời Học làm người (như ngày xưa với văn hoá cổ của Việt Nam có Lễ nhập môn), vì thế tất cả các gia đình, chứ không riêng ai, từ ông bà, chị em, cô dì, chú bác và bè bạn thân nhất của gia đình có học trò lớp Một, đều tới chứng kiến, chia vui với đứa trẻ.

Lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Holzhausen (Frankfurt am Main, CHLB Đức). (Nguồn: VietNamNet)
Lễ khai giảng ở Trường Tiểu học Holzhausen (Frankfurt am Main, CHLB Đức). (Nguồn: VietNamNet)



Con gái Toản Li của tôi xúng xính trong bộ áo dài Việt Nam. Tháng chín buổi sớm còn lạnh, nên chúng tôi khoác cho cháu một chiếc áo ấm. Tục lệ không biết từ bao lâu, chúng tôi làm một chiếc ống giấy xanh đỏ cho cháu hình chóp nhọn, dài sáu chục phân, đường kính đáy hai nhăm phân. Ống chóp đó, đựng đủ bánh kẹo, sổ tay nhỏ, giấy mầu, truyện tập đọc v.v... và, cả phong bì tiền, không nhiều quá, tiền vui mừng của bè bạn; không chỉ bạn Việt, con tôi còn có quà của ông già hàng xóm Kaler, bà Graumann ở Hội đồng thành phố, người quen biết của chúng tôi hai mươi năm qua. Trẻ nào cũng có ống đựng quà hình chóp xanh đỏ vậy. Chúng hớn hở vác trên vai vào Lễ. Có người Đức râu tóc bạc trắng, đi xe lăn, cũng tới dự lễ khai giảng cho cháu gọi bằng cụ của họ.

Đúng 7 giờ, không sai một phút, nhạc Quốc ca Đức phát ra trên loa phóng thanh và lá Quốc kì ba mầu trên sân trường được chầm chậm kéo lên trong tiếng nhạc. Những người lớn kính cẩn đứng nghiêm, tay đặt lên ngực, nơi trái tim đang đập. Những đứa trẻ mắt trong vắt, nhìn đăm đăm, dướn lá cờ Tổ quốc phần phật bay trong những tia nắng đầu tiên chiếu lên sân trường. Không khí cực kì nghiêm trang.

Khi tiếng nhạc chấm dứt, lá cờ vừa chạm vào điểm cao nhất của cột cờ. Tôi nhìn thấy bà hiệu trưởng đã đứng ngay trên cầu thang vào trường (1) trước Micro, cất tiếng trịnh trọng tuyên bố Lễ khai giảng năm học. Không có bục diễn thuyết, không có hoa đài và khẩu hiệu. Diễn văn của bà không quá mười phút, nêu ý nghĩa của việc học tập để xây dựng quốc gia, để học làm Người tốt cho xã hội con người, Trách nhiệm và quyền lợi của trò. Cuối cùng là lời hứa ngắn của bà hiệu trưởng gửi tới các cha mẹ, người thân của trò. Lời bà vừa chấm dứt, bà rời vị trí diễn giả trong tiếng hoan hô hưởng ứng và lập tức các cô giáo của ba lớp Một, hai cô một lớp, dẫn lớp họ phụ trách, vào trường nhận lớp, nhận bàn và, chỉ cho trò nơi nào để giầy, mũ, áo khoác, nơi nào để đồ chơi mang theo v.v... trong sự chứng giám của cha mẹ và người thân  trò.

Dọc hành lang tôi nhìn thấy cơ man nào câu tựa như khẩu hiệu, song vui vui, tranh vẽ của trò lớp trên. Tất cả do học sinh tự làm, đủ màu sắc nói về khai trường cho các bạn lớp Một.

Cũng ở các sảnh lớn tôi thấy dăm học sinh hơn tuổi con tôi bày bánh ngọt, ca fe và giấy lau miệng. Thì ra, họ cho các cháu tự quản, bán bánh nước uống cho mọi người. Sau này tôi mới rõ, khi con gái tôi lên lớp Ba, việc tổ chức bán như thế có hai mục đích, phục vụ vui chơi Lễ hội, gây quỹ cho từng lớp và học luôn một hình thái rất quan trọng của xã hội: buôn bán như thế nào.

Vì trường chỉ có một hội trường nên nội dung thứ hai, chia ra ba thời gian, lớp con tôi vần A nên bắt đầu từ 8 tới 10 h. Toàn bộ cha mẹ và trò ngồi trong một hội trường chỉ đủ chỗ cho gần 100 ghế, có một sân khấu nhỏ. Tại đó học sinh lớp Một ngồi trên cùng, bên cạnh chúng là xen kẽ học sinh lớp hai vần A. Buổi vui bắt đầu. Chuông nhỏ reo lên. Bà giáo chủ nhiệm tuyên bố độ dăm phút, giới thiệu tên bà và cô phó chủ nhiệm và khai mạc buổi vui. Tiết mục đầu tiên là đồng ca của lớp Hai, vần A. Nhạc rất nhẹ nhàng, thể tự sự. Đây là bài hát của một nhạc sĩ có tên tuổi của Đức. Lời bài hát kể cho trò nghe, các bạn sẽ học cái gì ở lớp Một. Từ kỉ luật học đường tới nội dung của các tiết học. Rất ngắn mà vui, súc tích. Ví như: các bạn sẽ hiểu thế nào Ngôn ngữ Đức, nó khó mà vui. Hiểu thế nào là cái cây và con gà, hiểu ra sao để khi một cộng với một là hai, hai nhân hai là bốn, đại loại như vậy v.v... Bài ca còn có đoạn nói về tình bạn, tình thầy trò của học đường. Lời giản dị và nhạc dễ hiểu.

Xong tiết mục này, tôi tưởng là tiết mục khác ngay, hoá ra không phải. Toàn thể trò lớp Hai A bỗng nhiên ùa xuống hàng ghế đầu và mỗi bạn cầm trên tay một đóa hồng tặng cho các bạn lớp Một A. Trò lớn cầm tay trò nhỏ bước lên sân khấu, cúi đầu chào mọi người làm tôi vô cùng xúc động. Màn diễn có một ý nghĩa rất lớn, nó làm tôi vững dạ tin rằng, có sự kế tiếp giúp đỡ của con người với con người ở  đây, ngay từ buổi ban đầu tập làm người. Nhất là khi con tôi là người nước ngoài. Nó lẫn vào với người Đức, không phân biệt.

Buổi liên hoan kéo dài đúng hai tiếng. Tất cả đều là những tiết mục của các trò lớp lớn. Hỏi ra, chúng được tập hơn tháng nay để chào đón bạn mới. Tôi biết rằng, ngay sau đó là hai buổi khác cũng như vậy của các trò lớp Một B và C. Chỉ có một hội trường nhưng liên hoan làm cho buổi Lễ kéo dài tới tận hai giờ chiều, mà ai cũng có thể tham dự.

Sau liên hoan văn nghệ, chúng tôi chứng kiến lớp con tôi trở về lớp học. Cô giáo chủ nhiệm nói với chúng về những quy định của trường, tương tự như nội quy ở ta. Những lời nói vui, tếu của cô làm cho chúng tiếp nhận không căng thẳng. Ví như khi cô nói về sự đúng giờ, cô ví như con Thỏ, phải nhanh nhẹn vệ sinh, ăn sớm, mặc áo quần, để tới trường, đừng như chú rùa chậm chạp v.v... Những quy định ấy được in ra cẩn thận, phát ngay cho phụ huynh, ghi rõ phép tắc khi tới trường, nghỉ học, ốm đau, sử dụng sách giáo khoa cho mượn v.v... cho trò và gia đình đều tường.

Ở một chỗ khác, vợ tôi ngồi họp với cô phó chủ nhiệm. Họ lựa ra một ban liên lạc học đường, bầu trưởng và phó nhóm. Tất cả các địa chỉ, số máy điện thoại nhà, cầm tay của phụ huynh lập tức được đánh máy trên vi tính xách tay và in ra để kết thúc việc này sau ba bốn chục phút.

Lễ Khai trường nói trên chỉ ở lớp Một. Chào cờ cũng chỉ duy nhất một lần khi Lễ Khai trường. Sau này con gái tôi lên lớp Hai và tới lớp Sáu, đúng ngày nó tới trường, nó vào lớp ngay, không thấy bao giờ chào cờ hay khai trường gì nữa. Tất nhiên khi cháu vào lớp hai, nó lại ở vị trí Trò cũ, không bắt nạt ma mới, mà làm một cái Lễ khai trường cho lớp Một sau nó, sinh động như nó từng được hưởng.

Nhưng buổi Lễ ấy, giờ đây chắn chắn chưa phai mờ trong tâm trí thơ ngây của con gái tôi. Nhiều khi nhắc lại, cháu vẫn nói tới cái ngày thiêng liêng ấy, những tấm ảnh nó cắt dán vào Album, ghi rõ khuôn mặt rạng ngời của trẻ thơ.

Lễ Khai trường, không phải là những câu nói đầy tính giáo huấn mà cách thức trang trọng nhưng ăm ắp tình học đường, thầy trò, thực con người. Tất nhiên với lá cờ và Tổ quốc, trẻ ở Đức được giáo dục nhiều nữa, ở các lớp trên sau đó, nhưng tinh tế và có nội hàm đã được các nhà giáo dục học nghiên cứu bao nhiêu năm truyền lại. Cách thức Lễ khai giảng như vậy, thì cái hình thức phô trương, người Đức không chú ý lắm, nó chuẩn bị hàng tháng trước ấy cho phần nội dung mà tôi kể trên và còn được liên tiếp giáo huấn Mưa dầm thấm lâu ở các lớp kế theo.

Nhưng rõ ràng Lễ vậy đỡ mất thời gian, không buộc học trò phải ngồi bốn năm giờ chang chang dưới nắng, mồ hôi đầm đìa, hay giữa trời tuyết gió, để nghe những giáo huấn, những diễn từ dài lê thê, mà sự kính thưa các cấp tới dự kéo tới nửa trang A4. Những điều ấy, trẻ lên sáu thì sao mà hiểu nổi. Còn tôi, ấn tượng để lại sau sáu năm, là lời hứa của bà hiệu trưởng về việc vừa học, vừa chơi của trò. Điều cốt yếu là lời hứa ấy có giá trị, khi mà năm 2008, con gái tôi, một trẻ con Việt Nam đã tốt nghiệp lớp Sáu xuất sắc, đặc biệt là ngôn ngữ Đức và, vào thẳng hệ Gymnasium (trung học hệ 13 năm để đào tạo Cử nhân).

 

 

Kỳ II: Giờ ngoại ngữ và cửa sổ
 
Ngoại ngữ: tiếng Anh, ngay từ tiểu học là môn học chính, có tính bắt buộc, học sinh phải cố gắng học nó như toán hay văn. Lên trung học, con tôi còn phải học thêm ngoại ngữ thứ hai, ấy là chưa kể hàng ngày nó phảichat với chị nó ở Việt Nam, phải đọc thơ của Trần Đăng Khoa, Trần Quốc Toàn hay Hoàng Sơn để học tiếng Việt Nam.
 
Năm nay, đầu năm lớp Sáu, cô giáo tiếng Anh dạy lớp Sáu A của con gái tôi nghỉ đẻ, nên có cô Tiếng Anh mới. Bà giáo này hơi béo, có vẻ khó tính, không hay pha trò như cô giáo cũ của chúng. Tôi nghe lỏm bọn trẻ tới nhà tôi kể về điều ấy, khi chúng tập đóng một vở kịch ngắn, tự quay phim, nhân tiết học về quảng cáo trên tivi là như thế nào.
 
Có một bữa, con tôi về bức xúc nói: “Hôm nay có chuyện với cô giáo ngoại ngữ!”. Nó bảo, cô giáo này có vấn đề. Mùa đông lạnh thế mà cứ mở cửa sổ. Con và Robecca bị ánh sáng chiếu thẳng vào mắt, nên chói mắt khó chịu, lại khó nhìn lên bảng được. Đóng cửa sổ lại vào khi giải lao, tiết sau cô ấy lại mở ra.
 
Điều ấy tôi biết. Cửa sổ Đức ở các lớp học có kính thủy tinh làm giảm cường độ ánh sáng. Mắt con tôi cũng không được tốt, nên cháu thường phải ngồi hàng ghế đầu tiên với bạn thân nó là con Robecca cao kều.
 
Đầu tuần sau. Vừa bấm cửa đón nó trở về sau ngày học, chưa kịp quẳng cặp xuống đất, nó đã nói: “Lại chuyện cửa sổ bố ạ”. Tôi hỏi: “sao?”. Nó kể: “Hôm nay, chúng con đóng cửa sổ lại, khi vào giờ giải lao. Bà ta có vẻ giận lắm, đầu tiết hai vào, thấy cửa đóng, bèn lại mở toang ra và hỏi, ai mở cửa sổ ra thế này? Con và Robecca nhìn nhau rồi cả hai giơ tay lên. Bà tỏ ra không vui và nói Các em biết không, tôi đã năm lần mở cửa ra rồi. Từ nay không ai được đóng lại nhé!”. Con gái tôi đã xin phép đứng dậy và bảo: “Thưa cô, cô phải cho chúng em đóng lại. Em không nhìn thấy rõ, cô viết gì trên bảng. Hơn nữa, ánh sáng chiếu thẳng vào em vào bạn Robecca, làm chúng em rất chói mắt.” Khổ quá, đúng là có chuyện rồi! Tôi nghĩ: “Tại sao con không dùng từ Có thể thay cho từ muss (phải)?” Con tôi kể tiếp: “Chói mắt, bà ta nói lại lời con và rồi phẩy tay bố ạ. Cả lớp hoảng hồn khi bà hổn hển thở và giải thích Chói mắt đấy, nhưng đóng lại thì cô không thể thở được hiểu không? Luft! Luft! ( không khí! không khí!!). Bà ấy cau mày và giơ hai tay lên trời”.
 
Tôi đoán ra câu chuyện con tôi kể và nói: “Có thể bà ấy khó thở thật, vì nếu không khí bị hun lên ở trong phòng bật lò sưởi quá nóng đôi, cũng làm bố khó thở.” Con tôi suy nghĩ một lát rồi bảo: “Không thể như vậy. Nhà trường phải tìm giải pháp khác, cho cô đi viện chẳng hạn, nếu cô ấy thiếu không khí quá. Chứ con và bạn Robecca sao mà chịu mãi cả năm thứ ánh sáng chọc thẳng vào mắt. Hơn nữa con chẳng nhìn thấy gì trên bảng”. Nói rồi nó thở dài, đặt phịch cái cặp xuống, lung lay cả nệm giường. “Nhưng thôi, con và Robecca bàn rồi. Chúng con sẽ có cách.” Nói rồi nó bỏ vào phòng tắm, làm tôi không kịp hỏi cách như thế nào.
 
Một tuần sau. Cũng vừa mở cửa, nó đã hoan hỉ báo tin thắng lợi. Nó giơ bàn tay lên bắt tôi vỗ tay vào tay nó chia vui. Thì ra, hôm nay nó và Robecca không chịu thua cô giáo tiếng Anh. Chúng đã tới gặp cô chủ nhiệm và đề nghị về việc phải đóng cửa sổ. Lập tức bà hiệu trưởng và cô chủ nhiệm tới dự giờ tiếng Anh vào đúng chín giờ sáng. Khi đó tia nắng mặt trời chiếu xiên thẳng vào hàng ghế đầu.
 
- Ồ rõ cả rồi. Từ nay cái cửa sổ này sẽ phải luôn luôn đóng (lại từ Phải - muss!).- Bà hiệu trưởng công bố rõ ràng trên lớp học, mặt kệ cô giáo tiếng Anh ngơ ngác. “Cô giáo tiếng Anh được phép hé cửa đi bên trái!” Con tôi kể thêm. “Tiết học không vui chứ?” Tôi hỏi. “Tất nhiên!” Con tôi phẩy tay. “Làm sao được!” Nó nhún vai. “ Không thể khác được!”.
 
Tôi thực sự lo lắng. Ngoại ngữ, môn tiếng Anh là môn chính, bắt buộc. Con tôi học khá giỏi môn đó. Một môn học chính, có điểm cao, sẽ đỡ cho môn thể dục của nó, ít khi được điểm cao. Vả lại, năm nay là năm cuối của bậc tiểu học, để cộng điểm các môn lấp điểm trung bình, xét cháu có được vào thẳng hệ Gymnasium (hệ đào tạo trung học để đi học tiếp cử nhân) hay không. Tôi bảo “Con ơi, một điều nhịn chín điều lành”. Nó lắc đầu. Tôi không biết con tôi có hiểu rõ câu ngạn ngữ dân gian này không, hay là nó lắc đầu tuyên bố nó đúng!
 
Hai tháng sau, có cuộc họp phụ huynh để nghe báo cáo ba tháng học của học trò, chuẩn bị nghỉ Noel. Tại Đức, những phiên họp này không bao giờ họp chung tất cả phụ huynh. Khi bàn về việc học của từng học trò, người ta đặt lịch tiếp từng người, cha hay mẹ của trò. Tôi đem cái điều lo ngại ra, trình bầy với cô giáo chủ nhiệm, tế nhị hỏi về việc Cái cửa sổ đã xảy ra. Bà giáo trẻ khá thông minh và nhạy cảm, nhận ra lo lắng của tôi và điềm tĩnh cười nói: “Xin ông đừng lo. Cô tiếng Anh vẫn ở vị trí ấy. Giáo viên phải chịu đựng những khó khăn ở lớp học, chứ không phải học trò!”.
 
Nghe như vậy, nhưng tôi vẫn lo lắng và thường nhắc con tôi, phải cố gắng môn Anh văn. Nó chủ quan lắm, thường khoe, nó nhất lớp tiếng Anh. Sự chuyện này xảy ra rồi sẽ kết cục ra sao? Tôi thường xuyên kiểm tra bài kiểm tra Anh ngữ của cháu và không thấy có điều không bình thường xảy ra. Vừa rồi, trước khi về nuớc, tôi thở phào khi biết tin bà giáo Tiếng Anh chọn nó và một đứa nữa vào đội thi tiếng Anh của trường tiểu học của cháu, lên thành phố đua tài.
 
Suy nghĩ về việc trên, tôi có kể cho vợ chồng em trai tôi. Tôi nói về quyền của học trò và quyền lợi của thầy giáo trong một hoàn cảnh nhất định. Tôi bàn với chú em về quyền của đứa trẻ mới 12 tuổi, trước một điều sai và đúng, của nhận thức và lòng tự tin để tranh đấu cho lẽ phải. Tôi nói về quan hệ học đường, một cách hăng hái, và tái mặt khi cô em dâu tôi thở dài đánh thượt và nói:
 
- Ối trời, anh ơi, ở Đức thôi nhé! Ở đây mà căng như thế, đại đa số, họ trù con em tới chết!
 
- Ừ, cứ kể nôm na ra vậy thôi. Chứ anh cũng chẳng sùng ngoại lắm đâu. Nhưng mà điều gì, họ làm tốt hơn ta, ta phải học chứ, mà chưa học được, thì cũng là ước ao nay mai quan hệ học đường giữa trò và thầy sòng phẳng như thế. Nay mai như thế không? Ngày tôi học phổ thông xưa, giáo viên chẳng bao nhiêu ân tình dạy dỗ lứa chúng tôi để hôm nao bao nhiêu người tự tin ra mặt trận, thành người đó sao? - tôi âm thầm nghĩ.
 
Kỳ III: Công nghệ lòng tự tin, tự thân và nhân cách
 
Bà giáo chủ nhiệm con gái tôi thường bảo với con tôi: Toản Li có hai quê hương Việt Nam và Đức. Con gái tôi cũng công nhận điều đó, bởi vì nó sinh ra trên nước Đức và thụ hưởng đầy đủ nền văn hóa Đức khi tôi từng ngày vẫn dạy cháu tiếng mẹ đẻ và nói rõ vì sao nhà mình khác bạn Đức, có bàn thờ ông bà v.v...
 
Việc giáo huấn một con người có lòng tự tin ở Đức bắt đầu từ khi vào nhà trẻ. Từ đó con gái tôi bắt đầu biết nhường nhịn cho đứa bé hơn, biết tự làm những việc nhỏ nhất và tới khi lên mẫu giáo, nó tự rửa mặt, kéo đệm và cất đệm đi ngủ. Tôi cũng thương con lắm. Nhìn nó, khi cháu mới năm tuổi, kéo cái đệm nặng chịch cùng thằng Olech, cao hơn nó nửa đầu lòng, tôi cũng thắt lại. Nhưng tôi hiểu rằng, nếu không có điều ấy, con gái tôi sẽ như nhiều người đàn bà khác, luôn có tư tưởng phụ thuộc vào chồng và không dám đương đầu với sự nghiệt ngã của hoàn cảnh.
 
Lòng tự tin được giáo dục cẩn thận khi bắt đầu từ lớp ba, trẻ học ở Đức được đi dã ngoại tăng dần về thời gian và ngày theo từng lớp. Bắt đầu là những cuộc cắm trại dăm ngày quanh thành phố. Gần đây, là các chuyến dã ngoại, cách nơi tôi ở tám trăm cây. Từ cấp Trung học, mỗi năm học, trẻ được đi một nước, kể cả Anh và Mỹ. Chuyến đi năm lớp Bốn đầu tiên của cháu, tới một vùng đầm lầy, nhiều lau sậy và rừng. Nghe cháu tả lại nơi đó âm u lắm. Tất cả cha mẹ không được đi theo. Nhà trường bố trí thêm mỗi lớp, một sinh viên thực tập. Lớp nó hai chục trò, ba cô phụ trách. Đêm, trò ngủ lều ni lông giữa rừng, hai đứa một lều. Chúng mang theo túi ngủ. Buổi ngủ rừng đầu tiên, một phát hiện vĩ đại của nó, là đời sống đêm trong rừng quá phong phú. Chúng men theo ven hồ, tìm thấy cơ man đom đóm và nghe tiếng ếch, tiếng giun dế, dùng đèn soi tìm những con cú có đôi mắt “Như đèn pha ô tô, bố ạ” v.v... Người Đức xác lập từ nhỏ cho trẻ: “Trong rừng không có ma”. Trong rừng chỉ có cuộc sống chọn lọc tự nhiên và thân thiện của thú vật, cần được con người bảo vệ môi trường, sinh thái! Cũng như trong học tập, khái niệm cũ kĩ: Con hổ phải ác, con nai phải hiền... là không tồn tại nữa. Ở mỗi cảnh huống cụ thể, người ta chỉ rõ hành vi tốt xấu, lợi hại của từng loài chứ không ấn định một định kiến.
 
Cho tới hôm nay, tôi bắt đầu để con tôi đi xa nhà một mình trong bán kính tám mươi cây số. Tất nhiên việc đi lại ở Đức rất thuận lợi, nhưng với cháu gái 12 tuổi, lại ở nước mà Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn, thì việc đó không đơn giản, nếu như cháu thiếu lòng tự tin của con người.
 
Nhớ việc này ngay gần thôi. Ngày đầu tiên tôi về phép. Tilo, một thạc sĩ người Đức, đang làm công việc bảo vệ voọc tại Cúc Phương và Hiền, vợ anh, tới nhà tôi chơi. Mở cửa xe thế nào mà cậu con trai năm tuổi của họ bị cửa xe dập vào tay. Cháu kêu lên. Chúng tôi chạy tới. Đứa trẻ chực khóc, nhăn nhó. Tay nọ ôm tay kia thật chặt. Chắc nó đau vô cùng. Tilo bế con vào nhà. Hiền  bình tĩnh đi theo. Chúng tôi lấy đá thả vào bát. Tilo bảo con, hãy nhúng tay vào! Và ông bình tĩnh như không có việc gì xảy ra, để lát nữa, cơn đau của con ông dịu đi. Thằng bé đau lắm vì gió đã dập cánh cửa xe vào tay cậu khi cậu vịn vào mép cửa bước xuống đường. “Bận sau con chú ý nhé. Xuống xe phải đẩy mạnh cửa ra, rồi mới bước xuống!” Hiền bấy giờ mới ôm con và lòng vuốt ve tay con và nói.
 
Tôi nhớ lại cả thời dằng dặc hơn mười năm qua của con tôi ở Đức. Nhiều lần cháu chơi trong sân tuyết. Trượt ngã cũng khá đau. Nhưng cô giáo bao giờ cũng nhắc, cháu tự đứng dậy, rồi sau đó mới kiểm tra xem cháu có sao không, vì sao mà cháu ngã? Tới khi lên lớp năm, một đứa trẻ ở Đức đã có thể tự làm nhiều việc, như tìm xe đạp hỏng ở đâu mà bảo cha mẹ sửa chữa. Tự xử lí xe cộ khi đi ở đường bị hỏng. Chỉ tới cảnh huống không thể làm gì được, nó mới gọi điện cho tôi: “Bố có thể giúp con không?”. Ở Đức, khi đứa trẻ bị ngã, người ta không bao giờ đánh xuống đất và nói: “Đánh chừa cái đất, mày làm cho con bà ngã!”. Sự ủ ê con vào lòng, khi trẻ ngã, làm thảm hại con người, khi mà cú ngã ấy tự trẻ gây nên. Con tôi, bây giờ có thể nói, nó không đổ lỗi cho khách quan, nếu nó làm hỏng cái gì đó. Điều này, tôi cho rằng sự giáo dục Đức, xây dựng không chỉ tự tin mà xây dựng, hình thành nhân cách trẻ, ở những sự vụn vặt đó.
 
Có thể tổng hòa nhiều phương cách mà trò lớp Sáu ở Đức đã giảm tiện thời gian ở lớp, để tìm ra một kết quả có chiều rộng và độ sâu hơn ở ta. Chúng tự tin lên mạng từ lớp Sáu để truy tìm thông tin, những điều mà ở lớp cô giáo không nói tới, chỉ bắt đầu chuẩn bị, gợi mở cho học trò phương thức tự nghiên cứu. Điều này quan trọng cho việc chuẩn bị tự nghiên cứu một vấn đề trước khi chúng lên trung học. Vì từ lớp Bảy tới lớp Mười Ba, sự tự thân nghiên cứu, vận động, không chỉ tăng thời gian có ích ở lớp, bớt sự thuộc bài ghi chép ABC, học kiểu con vẹt. Cách thức học không vẹt như thế, làm trò đã được rèn giũa để thành một kĩ năng, thói quen, giúp cho chúng khi lên đại học, có thể vững vàng hơn.
 
Tôi có cảm giác nói chung là, lối đào tạo phổ thông cơ bản ở Đức, giúp con người ta tự tin hơn khi bước ra khỏi trường phổ thông tham dự vào đời sống sau này. Không chỉ là kiến thức sách vở. Sự đào tạo, giáo dục phổ cập ở Đức làm trẻ vững vàng, hơn khi đối mặt với đời sống thực tế. Sự tự tin, theo tôi, cũng là một phần của nhân cách.
 
Ví dụ về trẻ con học thế nào và hành ra sao, ở hệ phổ thông, xin kể chuyện nữa.
 
Năm con nhạc sỹ Mai Lâm, cháu Mai Linh hết lớp 13, thi vào Trường tổng hợp Hamburg (Khoa nghệ thuật của trường này tuyển trò khắp châu Âu nên phải thi). Cháu tự liên hệ với cảnh sát quận Berlin, khu vực định quay bài tập; tự đọc trên mạng phương thức xây dựng một bộ phim ngắn. Một mình cháu, không một ai hướng dẫn, tổ chức một nhóm làm phim đều là bạn cùng lớp. Cháu tự viết kịch bản, phân cảnh, quay và kiêm luôn đạo diễn, để chọi với hai ngàn trò tới khắp châu Âu. Cháu Mai Linh đỗ, bước vào trường Đại học khoa dạy nghề điện ảnh.
 
Ví dụ thứ hai là, khi con dượng tôi đến Đức, cháu hoàn toàn mù chữ. Tôi dẫn cháu tới trường trung học thứ nhất. Trường từ chối, vì lí do, họ không có kinh nghiệm dạy trò đã lớn người nước ngoài. Nhưng ông hiệu trưởng giới thiệu cho cha con tôi tới trường thứ hai. Tại nơi đó, tôi được bà hiệu trưởng tiếp rất niềm nở và nhận cháu vào lớp Tám. Tụt đi năm lớp, so với việc cháu đã học ở Việt Nam. Việc một đứa trẻ đã 18 tuổi, ngồi như câm điếc giữa các trò đã thạo tiếng Đức, tôi hiểu đó là một sự tra tấn và là một khó khăn vô cùng lớn với thầy cô và cháu. Nhất là các môn xã hội. Nhưng lòng kiên trì của thầy cô Đức thật lớn lao không ngờ. Người ta phân công một giáo viên giỏi nhất sư phạm ngôn ngữ Đức, kèm cháu một tuần hai buổi, vào chiều. Kiên trì suốt ba năm như thế, con tôi đã bỏ ý định bỏ học và, giờ đây tốt nghiệp hệ 10 năm, trở thành một công nhân của nhà máy sản xuất Mecedess. Suốt cả quá trình ấy, họ tìm hiểu hoàn cảnh của cháu. Những nỗi buồn và niềm vui. Gặp gỡ tôi thường xuyên để nhằm giữ vững ý chí tới đích của trẻ. Khi cháu ra trường, cha con tôi tới cám ơn bà hiệu trưởng. Năm ấy tôi mang tới cho bà Thằng Tễu. Bà Hiệu trưởng ấy, cười tươi như hoa, đi vòng quanh tượng gỗ biết cử động và trầm trồ nhìn khuôn mặt hài của món quà tới từ Việt Nam trong lời giới thiêu của tôi về Nghệ thuật rối nước. Nói thêm là, đấy là duy nhất lần “hối lộ” của tôi với việc học hành của hai đứa con trên nước Đức. Cũng nói thêm là, người giáo viên nhận dạy thêm con tôi trong ba năm, không bớt một buổi dạy, không hề được nhận thêm một khoản thù lao ngoài lương. Quà cám ơn chỉ một con Rối nước như bà hiệu trưởng. Điều này có tác động rất lớn với con dượng tôi, một đứa trẻ có nhiều khiếm khuyết, chẳng tin vào thầy cô khi còn ở Việt Nam. Nó nói: “Thầy cô Đức kinh quá. Họ thật như thánh!”.
 
Người Việt có câu: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng.” Tôi luôn dạy con tôi rằng, tổ tiên của chúng ta ở Việt Nam. Nhưng tôi thầm vô cùng biết ơn nước Đức, với công nghệ giáo dục của họ. Con tôi vẫn có tuổi thơ, chơi bời, vẽ vời, học cả võ châu Phi v.v... lại vẫn có các kiến thức phổ thông rộng và sâu, chậm mà chắc. Nó, công nghệ giáo dục học đường phổ thông... đương dìu dắt từng chặng, cho con gái tôi tới cái đích thứ nhất, giải tỏa câu hỏi: Làm người phải như thế nào.
 
Kỳ IV: Dân chủ và kỉ luật
 
Như tôi đã nói, lễ Chào cờ ở trường tiểu học chỉ diễn ra có một lần suốt sau năm học. Nhưng tại sao người Đức không sao nhãng lá cờ và dân tộc họ? Chúng ta thường nhìn lên sân bóng đã thấy hàng triệu người Đức giương cao cờ Tổ quốc trong các buổi xem đá bóng, ở quán bia, thậm chí ở ngày Lễ hội Đàn ông, họ cũng trương cờ lên chiếc xe chở đầy chở bia, dạo quanh các đường phố, như thể đất nước cùng vui chung với đàn ông Đức. Tôi cũng đã nhìn thấy khẩu hiệu chăng khắp nơi khi bức tường Berlin sập đổ và cuộc biểu tình kinh hoàng năm nào với tiếng hô như sóng biển: Chúng ta là một dân tộc. Sự thái quá của vấn đề dân tộc cũng gây nên hiện tượng cực đoan về Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và được luật pháp Đức hiện nay nghiêm cấm, nhằm không tái hiện Chủ nghĩa phát xít ở Đức.
 
Thực ra việc Chào cờ tôi kể trên không có nghĩa là nhà trường Đức, coi thường lễ nghi chào cờ mà nó biểu hiện việc chống chủ nghĩa hình thức trong đời sống học đường.
 
Năm con dượng tôi học lớp Chín, nước Đức xảy ra vụ hành hung những người nước ngoài. Lập tức tại lớp nó trong giờ Sử, giáo viên tổ chức mạn đàm về tình trạng này. Con dượng tôi kể lại, rất nhiều ý kiến khác nhau của học trò tìm hiểu nguyên nhân và bày tỏ thái độ của từng đứa về người nuớc ngoài trong con mắt của chúng. Sự kiện diễn ra ở lớp mà trong lớp có ba người nước ngoài cũng không làm chúng e ngại gì. Có trò kể vài việc xấu của người Việt Nam khi chúng nhìn thấy ở chợ họ buôn lậu thuốc lá. Tất nhiên vì lòng tự ái dân tộc, con dượng tôi đã phản biện, và nói rõ rằng, không phải tất cả người Việt ở Đức đều như vậy. Nó đưa ra bằng chứng không thể ai cãi khi mà nhiều người biết nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh nổi tiếng như thế nào trong thế giới âm nhạc salon, những người Việt như tôi và mẹ nó đã chăm chỉ ra sao để lao động, kiến thiết nước Đức từ thời D.D.R và hiện tại v.v... Hai trò Thổ cũng kể về hệ thống phân phối rau quả cho toàn thành phố Berlin và món bánh kẹp thịt cừu nướng Donergebap, món ăn mà đứa trẻ Đức nào cũng thích. Buổi thảo luận khá thú vị dù có nhiều ý kiến, nhận thức khác nhau về nước Đức với dân tộc và người nước ngoài. Tất nhiên tôi đoán rằng, để thảo luận việc này, bà giáo sử của chúng phải có sự chuẩn bị công phu cho một kịch bản được tính toán nhiều chiều với kiến thức vững vàng, sâu sắc về sư phạm và lịch sử nước Đức qua hai lần thế chiến với những hệ lụy của vấn đề dân tộc, những giá trị dân tộc cực đoan cần lên án. Như vậy, từ một thực tế nóng hổi của Đức, nhà sư phạm đã vô tình rèn luyện kĩ năng đối thoại cho trò, để tạo thành một lối học không vẹt và mang tính dân chủ học đường sâu sắc. Cách học như thế, không dễ gì trôi tuột, bởi nó sinh động, để qua đó, giáo viên có thể trình bầy những giáo án nói về dân tộc Đức, về Tổ quốc...
 
Một chuyện nữa là, do dùng sách giáo khoa cũ của Tây Đức biên soạn, nên một số chi tiết sử về cuộc chiến ở Việt Nam thiếu chính xác. Con dượng tôi thực ra đã học xong lớp 12 hồi ở Việt Nam, nên cháu phát hiện ra sự sai sót này. Sau khi tham khảo ý kiến cha dượng nó là tôi, một nhà văn, trong bản tập luận giữa niên học, môn sử, cháu chọn đề tài thu hoạch, viết về Cuộc chiến tranh Việt Nam với Pháp và Mỹ, để qua đó cải chính nhiều chi tiết mà sách Tây Đức chưa  chính xác. Bản thu hoạch của cháu được đánh giá khá cao. Tất nhiên sau khi cô giáo kiểm tra những thông tin ấy trên mạng internet. Tôi rất tự hào về việc này và suy nghĩ, con tôi cũng chẳng phải trò học giỏi gì, nhưng tính dân chủ và độc lập trong học đường Đức là môi dung tốt để cháu phát huy lòng tự hào dân tộc mà gia đình, cha dượng nó rất quan tâm.
 
Giáo dục tại Đức rất chú trọng tới học và hành. Nó cho phép học trò tranh luận với giáo viên về những hiện tượng trong quá trình nhận thức sống, quanh môi trường của trò, có so sánh với những điều ở sách vở. Khi chúng học về trách nhiệm công dân, chúng được Công an về tận nơi giảng dạy về luật đi đường và kiểm tra lại những chiếc xe đạp của toàn lớp xem có đủ đèn, chuông, mũ bảo hiểm, đúng luật pháp hay không. Khi học về sinh vật, chúng được tới các sở thú, tận mắt đi xem con Voi và con Voọc Việt Nam, hay tê giác châu Phi. Điều đó thì nền giáo dục nước ta và nhiều nuớc khác cũng muốn, nhưng điều kiện có nơi không cho phép. Nhưng cái đáng kể ở đây là khi chúng tham quan hay học, chúng được tự do bày tỏ nhận thức, nhưng vẫn phải có kỉ luật không khoan nhượng. Lần học về quảng cáo trên vô tuyến, tổ ba người của con gái tôi tha hồ nói về thái độ của chúng với cách quảng cáo ở Đức và thế giới. Học trò chê diễn viên này hay khen người kia. Chúng cũng có thể phê phán thứ quảng cáo nói quá lên sự thật, hay bày tỏ rằng, tôi không thích buôn bán mà chỉ thích làm bác sĩ, hoặc nghề gì đó, nên không yêu gì, cái nghề quảng cáo. Con gái tôi là đứa như vậy Nhưng khi cô giáo cho bài tập, chúng tập trung ở nhà tôi, đề nghị tôi giúp chúng ghi video lại vở diễn ngắn, để làm bài tập về quảng cáo “một lọai xà phòng”. 
 
Hai mươi năm tại Đức, qua hai con tôi, hỏi cả nhiều trò, có cháu nay đã là tiến sĩ, đại diện cho hãng Simen tại Nhật, tôi biết rằng, nền giáo dục học đường Đức cho phép người ta tranh luận và trao đổi, nhưng không bao giờ được phép hạ bút: “Tôi thấy Henrich Hainer không hay, nên tôi không làm bài văn này!”. Là học trò, phải học và làm bài  tập. “Anh chị không thấy Hainer hay thì phải chứng minh không hay ở đâu?”.  Đó là mối quan hệ giữa dân chủ và kỉ luật học đường và cũng là tính kỉ luật mãi về sau này cho đời học tập của một con người ở nước Đức.
 
(còn tiếp)

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ 

(Theo Dân Trí)