Với chúng tôi, mỗi lớp học là một Gia đình

Bạn đang truy cập như là khách vãng lai. Click để đăng nhập

Tab chính

Bạn đang ở đây

Tớ đã ôn TOEIC như thế nào? =)) - Chia sẻ của bạn Đàm Thị Minh Thảo (900 điểm TOEIC)

Tớ đã ôn TOEIC như thế nào? =)) - Chia sẻ của bạn Đàm Thị Minh Thảo (900 điểm TOEIC)

Kiểu bình thường mình nói chắc chả ai nghe đâu, nhưng sau khi thi xong biết kết quả thì bao nhiêu người hỏi bí kíp. Cứ bảo không có bí kíp gì lại bị các bạn bảo điêu, chém gió, chắc nó giấu nghề… blabla. Thế nên thôi thì ngồi ghi lại một số cái tớ đã áp dụng trong quá trình học và ôn thi, mấy khi lảm nhảm mà có người muốn đọc đâu, mong là có ích với các bạn :3

Nhấn mạnh một lần nữa, tớ thi được như thế phần lớn là do tớ sống tốt, bao gồm cả ăn ngủ điều độ (nên mới có sức khoẻ để học :3) và gặp may, nên khuyên các bạn hãy sống tốt như tớ :))

Đầu tiên, chắc cái này quan trọng nhất =)) Nó đã biến tớ từ một đứa mặt ngu ngu lần đầu tiên nhìn thấy cái đề TOEIC thành một đứa (mặt vẫn ngu nhưng) đã thi được chứng chỉ :’( đấy là tớ đã học với thầy Cường ở Hoangology (Nghe sặc mùi PR =)) nhưng hầu như những kinh nghiệm tớ chuẩn bị viết dưới đây đều là bí kíp võ công của thầy. Cảm ơn thầy một lần nữa ạ :3) Lý do chủ yếu tớ đưa cái này lên đầu vì tớ là một đứa thích ăn sẵn, lại còn lười, rất ngại mày mò tự tìm đường đi. Nếu bạn có điều kiện và không đủ độ chăm chỉ cũng như kiến thức để tự tìm ra phương pháp học (như tớ) thì hãy đăng kí học ngay đi L Còn nếu tự học được thì quá tốt luôn rồi, thực sự là luôn hâm mộ mấy bạn quyết tâm cao như thế, hiuhiu.

Thôi được rồi, vào phần chính. Trong thời gian 3 tháng rưỡi học ở trung tâm, tớ chỉ học theo giáo trình và làm theo yêu cầu của thầy, không làm đề vì lúc đấy tớ chả biết gì cả -_- làm đề chắc cũng không có hiệu quả. Cho những bạn chưa biết, giáo trình bọn tớ được học chia thành các part giống trong đề thi, bọn t học từng part, từ part 1 đến part 4, phần reading học xen kẽ. Trong khoảng thời gian này, gần như ngày nào tớ cũng nghe tiếng Anh, ÍT NHẤT 30p một ngày (thầy dặn nghe mấy tiếng cơ, nhưng mà tớ có nhiều lý do để “bận” nên là không theo được cái này :v) nhưng nếu bạn nghe không tốt, nghe được một lúc đã thấy hoa mắt chóng mặt thì chỉ có cách là nghe nhiều lên thôi. Do học theo thứ tự các part nên nội dung nghe cũng dài dần lên, dễ thích nghi hơn. Có thời gian thì bạn có thể nghe bản tin tiếng Anh, thấy bảo cũng có tác dụng nhưng tớ không thích cái cảm giác nhàm chán ấy nên tớ chọn nghe nhạc và xem phim lúc rảnh :v Vừa được giải trí lại không thấy tội lỗi vì chưa nghe đủ như thầy dặn =)) Sau đây là một số lưu ý, đi vào từng phần nhé.

LISTENING

Part 1

Khi học phần này, bọn tớ được yêu cầu test, sau đó chép script ra L

Tớ thấy việc chép script rất hiệu quả, vì part 1 có nhiều từ thường xuyên xuất hiện, chép lại sẽ dễ nhớ hơn. Chưa kể bẫy của part 1 thường là những từ đọc tương tự nhau (kiểu walking, working) hoặc những câu chỉ đúng 1 phần (đúng S sai O, sai V…) nên khi chép ra sẽ tập được thói quen phải nghe trọn vẹn cả câu :3

Part 2

Part này cần lưu ý ngữ điệu của cả câu để xác định được loại câu. Tập trung nghe từ đầu tiên, vì nếu là câu hỏi thì đấy là từ hỏi, nhiều khi chỉ cần nghe được từ đầu tiên đã có thể chọn đáp án đúng. Thông thường câu hỏi với từ hỏi thì loại đc ngay các câu trả lời Yes/No. Câu hỏi có “or” cũng loại câu trả lời Yes/No.

Nếu là câu hỏi Y/N hoặc câu hỏi đuôi thì cần nghe đc nội dung vì câu trả lời của nó không phải chỉ là Yes, I do hoặc No, I don’t =))

Chú ý trợ động từ của câu hỏi có thể loại được các phương án sai thì.

Với các trường hợp không phải câu hỏi thì tớ cũng chưa tìm ra mẹo gì, nếu không nghe được chắc phải nhờ con tim thôi L

Lưu ý nữa là ở phần này, khi phương án trả lời có từ đồng âm với từ trong câu hỏi thì thường là sai.

Để làm phần này tốt thì trong quá trình học bọn tớ được yêu cầu học thuộc đáp án trả lời cho câu hỏi. Cái này khá là có ích vì bạn sẽ nhớ được cách trả lời cho các loại câu hỏi. Khi học cũng cần để ý xem các phương án sai trả lời cho loại câu hỏi gì. Việc này sẽ hình thành phản xạ khi nghe được câu hỏi, lần sau gặp câu tương tự bạn sẽ nhớ câu trả lời đúng là dạng thế nào, câu trả lời sai bẫy ở chỗ nào…

Part 3

Phần này đầu tiên cần đọc hiểu câu hỏi và câu trả lời. Câu hỏi đầu tiên thường hỏi về chủ đề của đoạn hội thoại (tập trung nghe câu đầu tiên) hoặc hỏi về người nói/địa điểm (cái này phải dựa vào nội dung và đoán). Khi nghe nên lưu ý mối quan hệ giữa 2 người. Các câu sau thường hỏi về chi tiết nên cần chú ý nghe keyword của câu hỏi trong đoạn hội thoại.

Bẫy của phần này thường là ở phương án chọn có 1 số từ giống hệt trong đoạn hội thoại, nhưng sai phần còn lại. Cách tránh bẫy chỉ có thể là nghe đc hết cả câu trong băng =)) Hay bẫy ở giới tính người nói nữa, nên cần phân biệt được câu hỏi hỏi về nam hay nữ :v

Part 4

Đầu tiên cũng cần đọc hiểu câu hỏi và câu trả lời. Nghe cả phần “Question… to question … refers to the following ___ (annoucement, telephone message, advertisement, news report, talk, introduction,…)” để xác định được dạng của bài nói, dựa vào đấy có thể loại được 1 số phương án sai. Xác định được người nói. Tuỳ vào câu hỏi chi tiết mà chú ý đến tên, địa danh, số lượng, thời gian,… trong bài.

Bẫy của phần này cũng thường có 1 số từ giống hệt trong bài nói, cần phải tỉnh táo.

READING

Part 5

Để làm tốt được phần này, chắc chẳng có cách nào ngoài làm nhiều =)) Xác định được cấu trúc câu: S, V, adj, adv. Nhớ cách sử dụng liên từ, giới từ, mệnh đề quan hệ, mệnh đề danh từ, đại từ, cụm động từ…. Trong lúc học tớ thường chép từ mới ra một quyển sổ (kèm cả cụm cho dễ nhớ) thỉnh thoảng xem lại để bổ sung vốn từ. Câu nào thấy hay hay mà lạ lạ thì cũng chép lại cho nhớ J Phần này tớ làm vẫn sai toé toè loe nên cũng chả có gì để chia sẻ :v

Part 6

Để làm được phần này thì cũng cần nắm chắc ngữ pháp và phải nhớ các collocations. Làm phần này tớ thường đọc lướt qua một lượt xem nội dung chính, rồi mới đọc lại những chỗ trống, xác định mối quan hệ của từ cần điền.

Part 7

Phần này tớ thường làm kiểu mì ăn liền, tức là đọc câu hỏi trước rồi tìm câu trả lời trong bài. Với những câu hỏi tổng quan (from/to, topic/purpose), câu trả lời thường ở câu đầu tiên của bài. Với câu hỏi to whom, để có câu trả lời cần tìm you/your trong bài. Với câu hỏi chi tiết thì dựa vào keyword để tìm. Với câu hỏi về từ vựng thì xem các câu xung quanh để đoán nghĩa. Nhưng đương nhiên không phải lúc nào cũng có thể ăn liền như thế =)) Nhất là với những câu suy diễn (inference), cái này không phải tự suy ra là được, mà phải dựa vào bài để suy, nhiều khi nó được suy ra từ một từ be bé trong một câu ngăn ngắn của một đoạn không mấy quan trọng L Thế nên là cần phải đọc kỹ để không mất điểm.

Đấy là học, dưới đây là bí kíp không kém phần quan trọng :3

LÀM ĐỀ THI

Part 1

Đoạn đầu, khi người ta đọc hướng dẫn và ví dụ, xem qua một lượt tranh, để ý hành động chính và đồ vật xung quanh. Sau đấy tìm những câu nào dài dài ở part 3, 4 đọc trc (cả câu hỏi và các phương án) để tránh trường hợp làm part 3, 4 không kịp đọc câu hỏi.

Nghe đến câu nào thấy đúng thì đặt bút ở câu đấy, câu sau thấy đúng hơn thì chuyển, không thì giữ nguyên, tránh trường hợp nghe xong không nhớ đáp án cần chọn.

Tô kín ô ngay khi băng đọc xong, không nghe được thì chọn bừa, đừng để tốn thời gian suy nghĩ, làm xong thì quên luôn, tranh thủ thời gian giữa 2 câu để xem hình tiếp theo.

Part 2

Tranh thủ thời gian hướng dẫn ban đầu để xem part 3, 4. Đặt bút như part 1, không nghe được cũng nhớ chọn bừa luôn, đừng phân vân lại để lỡ từ đầu tiên quan trọng của câu sau.

Part 3, 4

Trong lúc băng đọc hướng dẫn thì phân tích 3 câu hỏi đầu tiên. Làm phần này tớ thường để tay trái lên đề, khi nghe thấy câu trả lời thì đặt ngón tay vào phương án đúng,  không tô luôn đáp án vì có thể để lỡ mất thông tin của câu sau. Hết đoạn hội thoại tô luôn 3 ô thật nhanh. Thời gian còn lại phân tích 3 câu tiếp theo. Cứ tiếp tục như thế cho đến hết phần listening.

Để làm được như thế thì cần rèn luyện khả năng đọc nhanh, vì thời gian giữa 2 đoạn chỉ khoảng hơn 30 giây, vừa phải tô, vừa phải đọc 3 câu hỏi tiếp theo. Vì thế đừng băn khoăn quá lâu ở một câu hỏi, bỏ 1 câu thì vẫn còn 99 câu, nhưng cứ băn khoăn thì sẽ không có thời gian để đọc 3 câu hỏi tiếp theo. Khi tô chú ý số thứ tự của câu để không bị tô lệch. Trường hợp thời gian còn lại không đủ để đọc câu hỏi và các phương án lựa chọn của 3 câu hỏi tiếp thì ưu tiên đọc câu hỏi, còn thời gian thì nhìn lướt qua các phương án rồi khi nghe thấy keyword trong câu hỏi thì đọc sau.

Part 5,6

Khi làm nên nhìn qua đáp án trước để xem họ hỏi kiểu câu gì

2 kiểu câu phải dịch cẩn thận là liên từ và vocab (4 đáp án khác nhau về nghĩa)

Part 7

Câu đầu tiên về overview thường ở đầu, nếu không thấy thì bỏ qua làm các câu sau.

Cẩn thận với câu hỏi chi tiết phải kết nối thông tin 2 đoạn.

Khi làm bài cẩn thận nhầm STT câu hỏi và phiếu trả lời.

Hết rồi =)) Trước khi đi thi nhớ giữ tâm trạng thoải mái, đừng lo lắng quá. Thi không được như mong muốn thì cùng lắm là nộp tiền thi lại, hơi xót ví tí thôi nhưng cũng không phải là tận thế mà :v Chúc các bạn may mắn :3

Link nhanh